Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được kỳ vọng bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới sau khi áp lực lạm phát giảm dần.
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý II/2024 giữa lúc chi tiêu tiêu dùng, chi tiêu chính phủ và đầu tư kinh doanh gia tăng mạnh mẽ.
Theo dữ liệu của Cục Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ hôm 25-7, GDP nước này trong quý II tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, theo khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế cho rằng con số này chỉ tăng 2%. Mức tăng này hồi quý I là 1,4%.
Bên cạnh đó là một số thông tin tích cực về tình hình lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (chỉ số giá PCE) tăng 2,6% trong quý II, so với mức 3,4% trong quý I.
Nếu không tính thực phẩm và năng lượng, chỉ số giá PCE lõi tăng 2,9% trong quý vừa rồi, so với mức tăng 3,7% trong quý I. Chỉ số giá PCE lõi là một trong những thước đo lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) theo dõi để hướng đến mục tiêu 2%.
Một người đàn ông bán hàng tại Quảng trường Thời đại ở TP New York - Mỹ. Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, kinh tế Mỹ tiếp tục có màn thể hiện ấn tượng bất chấp các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ từ FED trong các năm 2022 và 2023.
Ông Chris Zaccarelli, giám đốc đầu tư tại Công ty Independent Advisor Alliance (Mỹ), nhận định nền kinh tế hàng đầu thế giới mạnh hơn nhiều so với suy nghĩ của mọi người. Trong bối cảnh bầu cử đến gần, thông tin tích cực nói trên là cú hích không nhỏ đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 25-7, ông Biden nhận định báo cáo GDP mới nhất cho thấy "chúng ta đang có nền kinh tế mạnh nhất thế giới". Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh báo cáo này chứng tỏ kinh tế đất nước đang trên con đường đến tăng trưởng ổn định và lạm phát giảm.
Áp lực lạm phát giảm dần khiến giới chuyên gia tiếp tục kỳ vọng FED sẽ sớm đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong 4 năm. Các nhà hoạch định chính sách cho đến giờ vẫn thận trọng về thời điểm bắt đầu bước đi này. Dù vậy, những phát biểu gần đây của họ cho thấy FED sẵn sàng bắt đầu nới lỏng chính sách, cũng như khó có khả năng lãi suất tăng thêm.
Trước mắt, theo đài CNBC, các quan chức FED dự kiến vẫn duy trì lãi suất khi nhóm họp vào tuần tới. Trong khi đó, giới phân tích dự báo FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới, nhất là sau khi dữ liệu GDP mới nhất được công bố.
"Đà tăng trưởng kinh tế đang ổn định, không quá nóng cũng không quá lạnh. Lạm phát có vẻ đang đi đúng hướng của FED và việc nới lỏng chính sách tiền tệ với một đợt cắt giảm lãi suất có thể xảy ra vào tháng 9" - ông Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Nghiên cứu thị trường tài chính FWDBONDS (Mỹ), nhận định.
Dữ liệu tích cực về nền kinh tế Mỹ đã tác động tức thì đến giá dầu thế giới. Giá dầu thô Brent và WTI hôm 26-7 đều tăng nhẹ, lần lượt dao động quanh mức 82 USD/thùng và 78 USD/thùng khi nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu dầu thô tăng từ Mỹ.
Trong trường hợp FED cắt giảm lãi suất như kỳ vọng, lãi suất thấp hơn có xu hướng thúc đẩy hoạt động kinh tế, từ đó có thể làm gia tăng nhu cầu dầu. FED bắt đầu tăng lãi suất từ năm 2022 trước khi giữ nguyên con số này ở mức 5,25%-5,5% trong suốt năm qua. Các thị trường tài chính dự đoán FED sẽ có ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.