Hội Hải Phòng Trong Tôihttps://hoihaiphongtrongtoibm.com/uploads/logo.png
Thứ hai - 11/04/2022 00:29
Từ mấy chục năm ở thế kỷ trước cho đến ngày hôm nay, trong lòng mỗi người dân thành phố Cảng Hải Phòng ai nấy đều nghe và thuộc bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ” của nhạc sỹ Lương Vĩnh, phổ theo bài thơ cùng tên của nhà thơ Hải Như. Bài hát, cũng như bài thơ có ca từ, giai điệu đẹp, đi vào lòng người.
Khi lớn lên trong khu tập thể Nhà máy xi măng, bên kia cầu Xi măng (bây giờ gọi là cầu Thượng Lý), vào mỗi sáng trước khi bố mẹ đi làm, tôi xách cặp đi học, tôi đều nghe bài hát này từ chiếc loa công cộng treo trên cột điện ngoài đầu ngõ và nhẩm thuộc nó từ lúc nào không biết. Sau này, có 3 câu chuyện về bài hát này làm tôi nhớ mãi.
Chuyện thứ nhất, tôi có ông chú, khoảng năm 1985, 1986 gì đấy, được đi lao động xuất khẩu ở nước CH Estonia - thuộc Liên Xô trước đây. Ông kể, vào những đêm mùa đông nước Nga lạnh giá, tuyết bám dày bên goài cửa các “ốp” tập thể, những anh em lao động quê Hải Phòng thường tụ tập bên chai vooka 50 độ, uống cháy ruột với những con gà tây béo nục hầm trong nồi áp suất làm mồi nhậu. Những lúc ấy, chả ai bảo ai, tất cả đều ngân nga “tháng Năm, rợp trời hoa phượng đỏ” như để nhớ lại, để tìm cho mình chút nắng ấm mùa hè của quê hương, xua đi cái lạnh giá tê người bên xứ lạ. Ông bảo, bây giờ khi về nước, cứ mỗi khi nghe thấy bài hát ấy lại thấy gai gai người, lại nhớ về một thời gian lao, tha hương, khó nhọc…
Câu chuyện thứ hai, vào tháng 4/2010, tôi có dịp cùng Đoàn công tác Hội Nhà báo TP Hải Phòng đi giao lưu với đồng nghiệp báo chí ở các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn. Tại khu di tích ATK Thái Nguyên, tôi may mắn được gặp và trò chuyện với nhà thơ Hải Như. Kể chuyện về bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ”, ông Hải Như đã ngoài 85 tuổi nhưng giọng vẫn còn sang sảng. Ông kể: “Nhà báo có biết không, quãng năm 1970, khi nhạc sỹ Lương Vĩnh đưa cho tớ bản thảo viết tay bản nhạc bài hát ấy, tớ đã góp ý với tay Vĩnh – Ông phải đưa vào trong bài này câu thơ mà tôi tâm đắc nhất (Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt/Cho anh trao chiếc hôn nồng/Chưa giải phóng Sài Gòn, Đà Nẵng/Ta cần biết xa nhau…). Bẵng đi một thời gian, nghe trên Đài tiếng nói Việt Nam phát bài hát này (với các giọng ca đỉnh cao: Trần Khánh, Trung Kiên, Kiều Hưng cùng dàn hợp xướng Đài tiếng nói Việt Nam) không thấy “cho anh trao chiếc hôn nồng” đâu cả, ông Hải Như tìm gặp ông Lương Vĩnh trách móc thì ông Vĩnh chỉ biết gãi đầu gãi tai: Báo cáo anh, đưa câu ấy vào nghe ủy mị, trai gái luyến ái, không có lợi cho tình hình chung”. Ông Hải Như giận lắm, cho là ông Vĩnh “nhát”, ngại va chạm, sợ bị “nâng quan điểm” nên không dám đưa vào. Cũng vì chuyện này mà hai ông giận dỗi, không giao thiệp với nhau nhiều năm liền. Nhạc sỹ Lương Vĩnh đã mất từ lâu, nhưng ca khúc “Thành phố Hoa phượng đỏ” của ông thì vẫn còn mãi với thời gian, với lòng người Thành phố Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng…
Chuyện thứ ba, ấy là vào đêm 12/5/2005, thành phố khánh thành toà nhà Cánh diều, bên kia cầu Rào. Dân nội thành và các nơi đổ về tắc cả cầu Rào. Hôm đó, chương trình được truyền hình trực tiếp trên tivi. Thành phố “chơi sang”, mời toàn “sao” về hát giúp vui. Tôi nhớ một nữ ca sỹ nổi tiếng, là diva hẳn hoi, cô ấy hát bài “Thành phố hoa phượng đỏ” để mở đầu chương trình văn nghệ đặc sắc. Đến câu “Hải Phòng đó, hiên nganh chỉ biết NGỬNG đầu”, tất cả người xem đều ồ lên phản ứng. Ngẩng đầu chứ, sao lại ngửng đầu, ngửng đầu là cái gì??? (Khổ, chắc cô ấy là người Hà Nội, nói quen giọng như thế, chứ có ác ý gì đâu). Nhưng phải công nhận, câu “Hải Phòng đó, hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu” có lẽ là câu lột tả được rõ nhất cái hồn cốt, tính cách, cái “chất” của người Hải Phòng, không lẫn vào đâu được…
Nằm yên bình soi bóng mình bên vịnh bắc bộ, Hải Phòng được gọi với cái tên Thành phố Hoa phượng đỏ và một cái tên nữa dù không chính thức nhưng cũng đã được dùng cho Hải Phòng từ những năm sau giải phóng thống nhất đất nước là Thành phố Cảng.
Ngay từ cái tên của Thành phố đã mang lại cho các bạn...