Trường Bonnal - Bình Chuẩn - Ngô Quyền - Tự hào nơi thắp lửa

Chủ nhật - 19/01/2025 23:44
Ngôi trường giàu truyền thống này còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách để lớp lớp học trò trưởng thành cống hiến tài năng và trí tuệ làm rạng danh đất nước.
nq1
Lễ khai giảng đầu tiên khi trường mang tên Ngô Quyền, nguồn: Sưu tầm
Như chúng ta đã biết, năm 1874, nhà Nguyễn đã ký hiệp ước Giáp Tuất nhượng đất Hải Phòng cho Pháp. Các thương gia Pháp kéo đến lập nghiệp trên nhượng địa bến Ninh Hải, hình nên một đô thị sầm uất từ đó. 11 năm sau - năm 1885, Bonnal được cử làm Công sứ Hải Phòng, ông đã cho đào một con kênh ở phía Nam nối từ sông Tam Bạc vòng ra tới sông Cấm - gọi là kênh Bonnal. Kênh Bonnal với sông Tam Bạc và sông Cấm đã ôm trọn một dải đất hình cái rìu mà chỉ 10 năm sau đó phát triển thành khu phố Pháp - hạt nhân ban đầu của Hải Phòng ngày nay. Kênh Bonnal nằm giữa “khu người Âu” và “khu bản xứ”. Hai bên kênh là đại lộ Bonnal (phố Nguyễn Đức Cảnh và phố Trần Phú ngày nay) và đại lộ Chavassieux (phố Trần Hưng Đạo và phố Quang Trung). Nhưng đến năm 1902, Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh lấp một phần kênh này để mở rộng thành phố(1) , đoạn kênh còn lại đổi tên thành sông Lấp.

Hải Phòng được Chính quyền Pháp xây dựng thành một cảng quốc tế, cửa ngõ của cả miền Bắc Đông Dương mở ra biển Đông. Để phục vụ cho việc khai thác, chính quyền Pháp không thể không phát triển giáo dục đến một mức độ nhất định nhằm đào tạo những người thừa hành cho bộ máy cai trị của mình và Trường tiểu học Bonnal- tiền thân của Trường THPT Ngô Quyền được ra đời trong hoàn cảnh này. Trường tiểu học Bonnal là trường dành cho con em người Việt. Ngay từ năm 1909, Chính quyền Bảo hộ đã yêu cầu Ban Nhà cửa dân sự cung cấp các bản vẽ thi công công trình này nhưng do ngân sách hạn hẹp nên chỉ có một số hạng mục nhỏ được thi công (2) và trường phải thuê địa điểm tại số 3 phố Jean Dupuis với hợp đồng thuê theo năm 4200 phờ răng/năm(3).
 
nq2
Sơ đồ tổng thể của trường năm 1909-1910, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Với số dân cư bản địa ngày một tăng và hơn nữa ngôi nhà mà Trường thuê sẽ đổi chủ sở hữu, Trường có nguy cơ không có chỗ học kể từ ngày 01/01/1920 nên Thống sứ Bắc Kỳ đã yêu cầu Chánh Sở Công chính Bắc Kỳ tiến hành xây ngay công trình trường tiểu học Bonnal trên khu đất dân sự nằm ven đai lộ Bonnal và trên khu đất này đã có một ngôi trường làng do thành phố mở đó chính là ngôi trường làng Vẻn. Ngôi trường sẽ được thi công theo mô hình các trường tiểu học Pháp- Việt ở Bắc Kỳ. (4)

Khuôn viên của trường là một khu đất vuông vắn. Phía Bắc giáp đại lộ Bonnal (nay là phố Nguyễn Đức Cảnh), phía Đông giáp phố Metz (nay là Mê Linh), phía Nam giáp ngõ Hoa Khai, phía Tây giáp Trường đạo Saint Joseph. Cổng trường quay ra phố Metz (Mê Linh)(5). Tại thời điểm đó, Trường tiểu học Bonnal là trường tiểu học chưa toàn cấp, chỉ có từ lớp Đồng ấu đến lớp Nhì. Năm 1919-1920, mới có lớp Nhất.(6)

Từ năm 1920-1921, Trường bắt đầu có lớp đệ nhất niên bậc Cao đẳng tiểu học gọi là lớp thành chung của Hải Phòng (cours complémentaire)(7). Sau đó, mỗi năm tăng thêm một lớp cho đến khi đủ 4 lớp bậc Cao đẳng tiểu học từ đệ nhất đến đệ tứ niên.

Trường Bonnal được xây dựng đến năm 1925 có 13 phòng học, gồm dãy nhà một tầng phía trái từ cổng vào có 5 phòng và một dãy nhà hai tầng ở chính giữa có 8 phòng(8).
 
nq3
Năm 1926-1927, xây thêm dãy nhà một tầng phía tay phải, đối xứng với dãy nhà một tầng cũ. Dãy nhà hai tầng và dãy nhà một tầng bên trái dành cho 12 lớp bậc tiểu học. Dãy nhà bên phải dành cho các lớp cao đẳng từ đệ Nhất đến đệ Tứ và một phòng thí nghiệm. Cổng chính dành cho học sinh tiểu học, cổng phụ quay ra đại lộ Bonnal dành cho học sinh trung học. Học sinh tốt nghiệp bậc tiểu học, muốn học lên các lớp thành chung thì phải dự kỳ thi chuyển cấp. Đây là trường cao đẳng tiểu học chung cho các các tỉnh miền duyên hải(9).

Năm 1940, Phát xít Nhật vào Đông Dương, cấu kết cùng thực dân Pháp áp bức bóc lột nhân dân Việt Nam. Trường Bonnal bị chúng trưng dụng làm chỗ đóng quân. Từ năm 1941, nhiều tổ Việt Minh bí mật được thành lập trong trường. Học trò trong các lớp truyền nhau sách báo của Đảng, dạy nhau các bài hát tiến bộ như “Trên sông Bạch Đằng” của Hoàng Quý, kịch hát “Hận Nam Quan” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. “Đàn Chim Việt”, “Thăng Long hành khúc ca” của nhạc sĩ Văn Cao... Nhiều bài hát của Pháp mà chính quyền thực dân bắt buộc hát trong các giờ học cũng được sửa thành lời Việt kêu gọi lòng yêu nước.

Từ năm 1943-1945, các học sinh của trường như Lưu Văn Lợi, Nguyễn Huy Tưởng, lập ra Hội Ái hữu cựu học sinh trường Bonnal để động viên phong trào học tập và phát huy truyền thống của nhà trường. Học tập kinh nghiệm của trường Bưởi - Hà Nội (nay là Trường THPT Chu Văn An), đồng chí Lưu Văn Mẫn và một số người bạn đã thành lập Đoàn Rồng của trường Bonnal nhằm tập hợp học sinh, thông qua các hoạt động chọn lựa những nhân tố tích cực vào tổ chức Việt Minh bí mật. Đoàn gồm hơn mười đội lấy tên Quang Trung, Lê Chân, Vạn Kiếp, Hoa Lư, Chi Lăng, Lam Sơn, Lý Thường Kiệt... Nhờ đó mà các chủ trương của Đảng và Thành bộ Việt Minh được tuyên truyền rộng rãi, cơ sở Việt Minh trong trường học.

Mục đích ban đầu của thực dân Pháp khi mở trường là đào tạo lớp trí thức Tây học phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của “nước mẹ Đại Pháp”. Thế nhưng trái với ý định ban đầu của chúng, mái trường đã trở thành nơi “thắp lửa” và gieo “hạt giống đỏ” cho phong trào Các mạng của Thành phố và cả nước. Dưới sự dẫn dắt của những người thầy tài năng, giàu tinh thần dân tộc, các thế hệ học sinh đã thức tỉnh lòng yêu nước, giác ngộ tinh thần cách mạng, khát vọng dấn thân cho sự giải phóng dân tộc.
 
nq4
Ngôi trường giàu truyền thống này còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách để lớp lớp học trò trưởng thành cống hiến tài năng và trí tuệ làm rạng danh đất nước trên nhiều lĩnh vực. Nhiều thế hệ học trò xuất sắc trưởng thành mà tên tuổi đã vượt khỏi giới hạn của ngôi trường để trở thành niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam. Có thể nói, Trường Phổ thông trung học Ngô Quyền là một trong những trường có lịch sử lâu đời của ngành giáo dục Hải Phòng nói riêng và giáo dục cả nước nói chung. Hơn 100 năm qua, nhiều thế hệ học trò trưởng thành làm rạng danh mái trường Bonnal xưa như: cố Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh, nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Thế Lữ, nhà văn- nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Giáo sư Nguyễn Lân,….
nq5
Đã hơn một thế kỷ trôi qua nhưng nhắc đến Trường Bonnal- Ngô Quyền, người Hải Phòng lại được sống lại với những kỷ niệm về dòng sông Bonnal- dòng sông Lấp, dòng sông gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Hải Phòng.

Tác giả: Tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Nằm yên bình soi bóng mình bên vịnh bắc bộ, Hải Phòng được gọi với cái tên Thành phố Hoa phượng đỏ và một cái tên nữa dù không chính thức nhưng cũng đã được dùng cho Hải Phòng từ những năm sau giải phóng thống nhất đất nước là Thành phố Cảng. Ngay từ cái tên của Thành phố đã mang lại cho các bạn...

Thăm dò ý kiến
Hải Phòng trong bạn là gì?
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây