Vì sao chính quyền Tổng thống Syria al-Assad thất bại nhanh chóng?

Chủ nhật - 08/12/2024 09:51
Chỉ 10 ngày kể từ khi phe nổi dậy phát động cuộc tấn công vào Aleppo, lực lượng này tiến vào thủ đô Damascus (Syria), dẫn đến sự thất bại của chính quyền trung ương.
Chỉ 10 ngày kể từ khi phe nổi dậy phát động cuộc tấn công vào Aleppo, lực lượng này tiến vào thủ đô Damascus (Syria), dẫn đến sự thất bại của chính quyền trung ương.
 
Phiến quân và người dân Damascus đổ ra quảng trường trung tâm Ummayad sau khi có thông tin chuyển giao quyền lực. (Nguồn: AJ Arabic)

Tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) ngày 8/12 thông báo liên minh các lực lượng chống chính phủ đã chiếm Damascus và Tổng thống Bashar al-Assad đã rời khỏi thủ đô.

Thủ tướng Syria Mohammed al-Jalali thông báo chính phủ đã sẵn sàng cho quá trình chuyển giao quyền lực và ông sẽ hợp tác với lãnh đạo tiếp theo của Syria do nhân dân lựa chọn.

Bình luận về những diễn biến chiến sự quá nhanh ở Syria, Đại sứ Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông chia sẻ, nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đến từ cuộc tấn công chớp nhoáng của các lực lượng nổi dậy, cũng như phe đối lập ở Syria.

Ông Nguyễn Quang Khai phân tích quân đội Syria bị bất ngờ và không có sự chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công đồng loạt diễn ra trên khắp tỉnh Aleppo hồi cuối tháng 11. Do đó lực lượng của chính quyền ông al-Assad không trở tay kịp.
 
as1
Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad lung lay và sụp đổ chỉ trong 10 ngày ngắn ngủi. (Ảnh: Independent)
Quân đội Syria đơn độc trước quân nổi dậy

Tuy nhiên, yếu tố bất ngờ chỉ là nguyên nhân thúc đẩy, trên thực tế quân đội Syria sau hơn 13 năm xung đột đã gần như kiệt quệ về nguồn lực lẫn nhân lực. Việc bị bao vây cấm vận về kinh tế lẫn thiếu tài chính khiến lực lượng vũ trang Syria trở nên suy yếu nghiêm trọng.

Không được trang bị vũ khí mới, thiếu nguồn lực và phải chiến đấu trong khoảng thời gian dài đã khiến quân đội Syria mất đi tinh thần chiến đấu. Đây chính là điều kiện quan trọng để phe đối lập và lực lượng nổi dậy Syria đạt được những chiến thắng quan trọng chỉ 10 ngày qua.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai cũng dẫn chứng việc khi quân nổi dậy tiến vào các thành phố lớn như Aleppo, Homs, Hama và cả thủ đô Damascus, họ gần như không vấp phải sự kháng cự từ quân đội Syria.

Ngoài các nguyên nhân đến từ nội tại của quân đội Syria, một lý do khác khiến lực lượng của Damascus nhanh chóng sụp đổ là việc mất đi sự hỗ trợ từ các đồng minh như Nga, Iran và Hezbollah.
 
as2
Lực lượng nổi dậy Syria tiến vào các thành phố mà không vấp phải bất cứ kháng cự nào từ quân đội chính phủ. (Ảnh: CNN)
Hiện nay Moskva phải tập trung nguồn lực cho cuộc xung đột ở Ukraine, phần lớn lực lượng Nga ở các căn cứ quân sự tại vùng ven biển Syria đều đã được rút về nước. Động thái này một phần đến từ việc tình hình Syria ổn định từ cuối năm 2019 nên việc tập trung nguồn lực ở Syria trong khi chiến sự ở Ukraine đang căng thẳng là không cần thiết.

“Nga và các đồng minh đã không đề phòng khả năng lực lượng nổi dậy Syria hậu thuẫn phát động một cuộc tấn công lớn ngay lúc này, điều khiến cả Moskva và Damascus rơi vào thế bị động”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai phân tích.

Quân đội Nga hiện tại chỉ duy trì từ 5.000 đến 6.000 quân tại hai căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Khmeimim. Lực lượng chỉ đủ để Moskva duy trì an ninh cho khu vực trên.

Một đồng minh khác của Syria là Iran cũng không thể cứu được chính quyền ông al-Assad lúc này và Hezbollah cũng suy yếu sau cuộc xung đột kéo dài hơn 1 năm với Israel.

Việc Israel sử dụng không quân liên tiếp tấn công vào các kho vũ khí của Iran ở Syria cũng như của Hezbollah đã làm lực lượng này suy yếu nghiêm trọng trong những năm qua. Ngay cả nhân lực của Hezbollah cũng đã mất đến hơn 60% trước cuộc chiến với Tel Aviv.

Từ những nguyên nhân trên đã dẫn đến việc quân đội Syria mất hết sức chiến đấu dù kiểm soát 2/3 lãnh thổ lẫn nguồn tài nguyên. Thế nhưng ngay cả sự ủng hộ của các đồng minh cũng chưa đủ để chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục cầm quyền khi mất đi niềm tin từ người dân nước này.

Người dân Syria quay lưng với tổng thống

Phần lớn người dân Syria không còn ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, đây là nguyên nhân lớn nhất. Bởi vì gia đình của ông Bashar al-Assad, trước đó là cha ông - cựu Tổng thống Hafez al-Assad đã nắm quyền ở Damascus hơn 60 năm nay.

Trong khi đó cuộc sống của người dân Syria hiện nay vô cùng khó khăn bởi các lệnh cấm vận kinh tế từ phương Tây và cô lập từ các nước Ả Rập. Hơn hết, chính quyền hiện tại gần như không có cải cách nào đáng kể giúp cải thiện đời sống của người dân trước những khó khăn hiện tại.

Và trước một viễn cảnh thay đổi từ việc lực lượng đối lập lên nắm quyền, hầu hết người dân Syria đều tỏ rõ thái độ ủng hộ. Có thể thấy điều này qua việc người dân Aleppo, Homs, Hama và cả thủ đô Damascus đổ ra đường ăn mừng khi quân nổi dậy tiến vào.

Về phía quân đội Syria, thay vì tiếp tục đổ máu một cách vô nghĩa, Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Syria đã ra lệnh cho các binh sĩ buông xuống và giải tán.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho rằng tất cả những nguyên nhân trên đã dẫn đến việc chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad thất bại nhanh chóng và không thể vãn hồi.

Chính vì vậy mà ngay trong trưa 8/12 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Syria Mohammed al-Jalali đưa ra tuyên bố sẵn sàng cho quá trình chuyển giao quyền lực và sẽ hợp tác với bất cứ lãnh đạo nào mà người dân lựa chọn.

Cũng với thông báo của chính phủ Syria, lãnh đạo phiến quân Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) – lực lượng đối lập chính ở Syria, đã ra tuyên bố kêu gọi lực lượng phiến quân không gây tổn hại đến các trụ sở công quyền và các công trình công cộng nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền lực.
 
as3
Bản đồ các phe phái chính trị đang kiểm soát Syria, trong đó phe đối lập (xanh lục) đang kiểm soát gần 1/2 lãnh thổ. Quân đội Syria chỉ còn kiểm soát được vùng duyên hải ven Địa Trung Hải. (Đồ họa Al-Jazeera)
Tương lai bất định của Syria

Dù HTS lên nắm quyền ở Damascus, tình hình ở Syria sẽ không đi vào ổn định ngay lập tức và diễn biến có thể dẫn đến tình trạng vô chính phủ trong một khoảng thời gian. Bởi vì Syria có rất nhiều tổ chức chính trị, tôn giáo và sắc tộc khác nhau.

Trong đó chỉ riêng vấn đề tôn giáo cũng đủ tạo nên sự bất ổn không thể kiểm soát nếu thiếu đi chính quyền trung ương. Điển hình như giáo phái Alawite – cộng đồng tôn giáo ủng hộ ông al-Assad, Hồi giáo Sunni, Hồi giáo Shia, Thiên Chúa giáo…

Còn về các nhóm chính trị, kinh tế có lợi ích khác nhau, hiện nay ở Syria có đến hơn 15 tổ chức chính trị, tôn giáo, sắc tộc, chưa bao gồm các tổ chức khủng bố hoặc Hồi giáo bán vũ trang.

“Tất cả các lực lượng này đều có mục tiêu chung là lật đổ chính quyền của Tổng thống al-Assad, cho nên những thế lực này tạm thời hợp tác với nhau. Nhưng do có sự khác nhau về lợi ích và đường lối hoạt động sau khi chính quyền Damascus sụp đổ liên minh này sẽ xuất hiện sự tranh giành ảnh hưởng”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai phân tích.

Ví dụ như Tổ chức Hay'at Tahrir al-Sham (HTS hay "Tổ chức Giải phóng Levant") – phe đối lập mạnh nhất trong cuộc xung đột ở Syria, Quân đội Syria Tự do (FSA) và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo và tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Syria.

Không những thế, mỗi lực lượng trên lại được một thế lực nước ngoài ủng hộ, như HTS, FSA được sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, SDF được Mỹ ủng hộ. Mỹ vẫn đang duy trì các căn cứ quân sự trên khắp Syria dọc theo biên giới Jordan và biên giới Iraq.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không liên quan đến xung đột ở Syria cũng như diễn biến hiện nay nhưng Washington vẫn ủng hộ các thế lực chống chính phủ Syria.

Ngoài ra, các nước Ả Rập theo phái Sunni cũng ủng hộ các thế lực lật đổ chính quyền Tổng thống al-Assad bởi phái Alawite có liên hệ với phái Shia thân Iran.

Một thế lực khác cũng muốn tranh giành ảnh hưởng ở Syria là Israel, mục tiêu của Tel Aviv là xóa sổ các căn cứ của Iran ở Damascus vì chúng được sử dụng để chuyển vũ khí cho phong trào Hezbollah ở Lebanon.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho rằng tình hình chính trị ở Syria thời gian tới sẽ diễn biến rất phức tạp, việc lật đổ chính quyền Tổng thống al-Assad mới chỉ là bước đầu tiên để giải quyết cuộc xung đột này.

Cũng theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, giải pháp duy nhất có thể mang đến một hòa bình thực sự cho Syria hiện tại là: "Một, các bên cần đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt giao tranh nhằm ổn định tình hình.

Hai, các bên liên quan đi vào đàm phán giải quyết những bất đồng giữa chính quyền trung ương với các phe phái đối lập. Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua Định dạng Astana và Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an, Liên hợp quốc về tình hình Syria".

Từ ngày 7-8/12, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran và một số nước Ả Rập cung đã nhóm họp tại Doha để thúc đẩy một giải pháp chính trị cho Syria trong giai đoạn hiện tại.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng cần thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc với sự tham gia của tất cả các thành phần chính trị, tôn giáo và sắc tộc ở Syria. Điển hình như người Kurd, sắc tộc chiếm 20% dân số Syria nhưng trước đây không có quyền tham gia vào chính phủ trung ương.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhận định, tình hình Syria chỉ có thể ổn định trở lại khi các thế lực chính trị đạt được những đồng thuận về một chính phủ đoàn kết. Và việc thiếu vắng bất cứ một phe phái nào cũng dẫn đến bất ổn bùng phát trở lại.

Tác giả: Trà Khánh

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Nằm yên bình soi bóng mình bên vịnh bắc bộ, Hải Phòng được gọi với cái tên Thành phố Hoa phượng đỏ và một cái tên nữa dù không chính thức nhưng cũng đã được dùng cho Hải Phòng từ những năm sau giải phóng thống nhất đất nước là Thành phố Cảng. Ngay từ cái tên của Thành phố đã mang lại cho các bạn...

Thăm dò ý kiến
Hải Phòng trong bạn là gì?
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây